Nhạc Bolero luôn mang đến cho người nghe nhiều cảm giác hoài niệm và nhẹ nhàng. Những năm gần đây Bolero dần thịnh hành trở lại và được nhiều bạn trẻ yêu thích.
1 Nhạc Bolero là gì?
Vì được sử dụng phổ biến nhất trong các ca khúc dòng nhạc vàng, điệu Bolero bị nhầm lẫn với khái niệm nhạc vàng (dùng hoán chuyển như tên gọi thay thế cho nhau). Nhiều người xem nó như một dòng nhạc riêng biệt và thường gọi là dòng nhạc Bolero hoặc dòng nhạc trữ tình – Bolero.
Điệu nhạc này có nguồn gốc từ Mỹ Latinh và Tây Ban Nha, nhưng du nhập vào Việt Nam là từ Mỹ Latinh. Điệu Bolero trên thế giới được các nhạc sĩ áp dụng sáng tác trong cả nhạc cổ điển (nhạc nghệ thuật) lẫn nhạc đại chúng/ nhạc nhẹ. Ở Việt Nam nó hay được áp dụng sáng tác cho nhạc nhẹ.
Điệu Bolero không chỉ có trong nhạc vàng, mà cả ở các thể loại khác. Nhiều sáng tác của một số nhạc sĩ nhạc đỏ như Thế Hiển, Trần Hoàn, Thuận Yến, Vũ Hoàng… là theo điệu Bolero, ví dụ bài Miền Trung nhớ Bác của Thuận Yến. Sau 1975 nhạc nhẹ bị cấm đến 1979 cho sáng tác trở lại, lúc đó gọi là các ca khúc chính trị. Một số nhạc sĩ chế độ cũ lại sáng tác Bolero theo phong cách mới, như Trần Thiện Thanh với Chiếc áo bà ba, Tô Thanh Tùng với Tình cây và đất, Trúc Phương với Chín dòng sông hò hẹn… Các sáng tác này đậm chất dân ca Nam Bộ, có một số nét khác với nhạc vàng trước 1975 thì ngoài đậm chất dân ca và tinh thần tập thể, là quãng âm cao rộng, làm cho nhạc sáng hơn, tươi hơn. Một số bài Bolero về sau thậm chí có thể hát theo lối Bel Canto. Bolero cũng có thể vận dụng trong sáng tác nhạc trẻ. Nhạc sĩ Đức Huy ở hải ngoại có một số bài Bolero chất Tây phương, vừa nhẹ nhàng lại trẻ trung. Một số ca khúc Pop Ballad hiện nay cũng có thể hát theo điệu Bolero hay sáng tác trên nền Bolero. Vài năm gần đây khá nhiều sáng tác theo điệu Bolero trên nền ví giặm Nghệ Tĩnh.
Đặc trưng của Bolero khi vào Việt Nam, được Việt hóa, là nó rất hợp với lối nói phát âm của người Việt, đặc trưng hát theo kiểu truyền thống, ngân rung đổ hột, làm cho bài hát vừa dễ hát vừa dễ thuộc. Ngoài ra nó còn rất hợp với chất cải lương, để hát tân cổ.
Có một thực tế là có thể bài hát ban đầu được viết theo Bolero, nhưng ca sĩ có thể hát theo điệu khác, thậm chí theo một phong cách khác hẳn với phong cách truyền thống. Những hiện tượng này rất phổ biến trong sinh hoạt âm nhạc nói chung.
Tên gọi “dòng nhạc Bolero” xuất hiện vào 2013 (thời điểm gameshow Solo cùng Bolero ra mắt), mục đích chính là tránh những từ như nhạc sến hay nhạc vàng, để chỉ những ca khúc sáng tác trước 1975 (và các sáng tác về sau tiếp nối) cùng mang một không khí giống nhau dù điệu khác nhau.
2. Đặc điểm
Đặc điểm quan trọng của những bài hát viết bằng thể điệu Boléro ở Việt Nam là:
- Phần lớn các bài hát theo điệu boléro đều mang đậm chất dân ca, chủ yếu dân ca của Nam Bộ, rất ít ca khúc thính phòng hoặc nhạc nhẹ không có chất dân gian
- Giai điệu cấu trúc đơn giản, tiết tấu đều đều, chậm, thường là nhịp 4/4, ít biến đổi nhịp, ít quãng cao, dễ hát, khi hát thường luyến láy, cho mềm mại và mùi mẫn, không thích hợp lối hát châu Âu
- Lời ca bình dân, có nhiều vần và dễ thuộc, dễ nhớ, đa số là kể chuyện… (đặc điểm thường thấy nhưng không phải đặc trưng riêng của nhạc bolero mà trong nhạc phổ thông nói chung)
Các đặc điểm như tính quần chúng, tính khái quát, tính tự sự, tính buồn cũng thường thấy trong các ca khúc theo điệu bolero nhưng không phải đặc trưng mà có thể thấy ở rất nhiều các bài hát theo các điệu khác.
3. Lịch sử hình thành và phát triển của dòng nhạc Bolero
Tên chính xác của Bolero là “Boléro” một điệu lấy từ tiếng Tây Ban Nha, nhưng được phát triển bởi một vũ công người Tây Ban Nha có tên là Sebastián Cerezo.Tuy nhiên vào thời gian này thì Bolero xuất hiện như một điệu nhảy phù hợp với những bản Ballet cổ điển.
Rồi từ Tây Ban Nha, chúng du nhập sang châu Mỹ – Latinh và bắt đầu trở nên nổi tiếng và phổ biến bởi Jose Pepe Sanchez một nhạc sĩ tài hoa người Cuba. Người vẫn luôn được mệnh danh là cha đẻ của dòng nhạc này.
Với giai điệu phóng khoáng, dòng nhạc bolero lúc bấy giờ là nhạc nền thịnh hành cho các vũ điệu bolero, rumba, mambo,… kể cả tango và chachacha.
Tại Việt Nam, điệu boléro du nhập vào Việt Nam vào khoảng thập niên 1950, lúc phong trào tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ; nhiều nhạc sĩ bắt đầu sử dụng nhạc điệu phương Tây thay cho nhạc điệu phương Đông truyền thống. Các bài hát theo điệu bolero đầu tiên là Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, Trăng phương Nam của Anh Hoa, Chiều trong rừng thẳm của Anh Việt sáng tác trước 1954. Có tài liệu viết Đoàn Chuẩn sáng tác Gửi người em gái miền Nam (1956) điệu Bolero. Không có tài liệu nào cho biết chính xác bài đầu tiên là bài gì, tuy nhiên nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng bài Duyên quê của Hoàng Thi Thơ có thể là bài đầu tiên. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Trần Thị Vĩnh Tường lại cho rằng bài boléro đầu tiên ở Việt Nam là bài Xóm đêm của Phạm Đình Chương. Theo nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thì “Người đầu tiên nghĩ ra boléro là Lam Phương rồi Trúc Phương” và “Bolero của Việt Nam khác Bolero của Tây Ban Nha hay Nam Mỹ ở chỗ Boléro Việt Nam rất chậm”. Nhạc theo điệu bolero cũng có thể hát theo điệu khác như rhumba, hay chachacha.
Cứ thế, nhiều ca khúc miền Nam viết theo điệu boléro lần lượt ra đời. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970 là những năm đỉnh cao của giai điệu này. Lúc đó rộ lên phong trào “Thời trang nhạc tuyển” mà những bài nhạc boléro được được thâu một cách đại trà vào băng cassette hoặc đĩa vinyl. Một số ca khúc tiêu biểu là Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh, phổ thơ Hữu Loan), Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Thành phố sau lưng (Hàn Châu), Áo em chưa mặc một lần (Hoài Linh), Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân), Đêm buồn tỉnh lẻ (Bằng Giang – Tú Nhi), Vòng nhẫn cưới, Đêm lang thang, Không giờ rồi (Vinh Sử), Hoa sứ nhà nàng của Hoàng Phương.
Hiện tại, boléro Việt Nam vẫn đang được nhiều tầng lớp dân chúng yêu thích và phát triển. Nhiều nhạc sĩ sáng tác trước 1975 tiếp tục sáng tác mạnh như Anh Bằng, Đài Phương Trang, Giao Tiên, Nhật Ngân, Thanh Sơn, Tú Nhi (Chế Linh), Vinh Sử… Bên cạnh đó các nhạc sĩ trẻ cũng đang tiếp nối với chủ đề tình yêu, âm hưởng dân ca Nam Bộ như Lê Minh, Sơn Hạ, Hồng Xương Long, Minh Vy, Tô Thanh Sơn, Thái Hoàng, Hà Sơn… nhưng rất ít bài theo điệu boléro, đây là đặc điểm khác giai đoạn trước. Sự sáng tạo chủ yếu nằm trong lối hát hay hòa âm. Đôi khi các bài bolero hay được hòa âm và hát theo phong cách nhạc jazz, nhạc pop, nhạc rock hay theo phong cách thính phòng, cổ điển.
Từ năm 2013 đến năm 2018, hàng loạt chương trình truyền hình hát nhạc theo điệu Bolero hay nhạc có nguồn gốc điệu Bolero xuất hiện. Tuy nhiên có chương trình dù rõ ràng mang tên Bolero nhưng lại lồng ghép nhạc dân ca, nhạc Làn Sóng Xanh, thậm chí cả… nhạc đỏ. Những nhà sản xuất có khi quy chụp tất cả nhạc vàng là “nhạc Bolero” (mặc dù có bài “nhạc vàng” có khi viết theo điệu khác). Điều này gây nhầm lẫn trầm trọng tới người xem.