Âm nhạc có mặt ở khắp mọi nơi, khắp mọi chỗ và có ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống con người. Mỗi thể loại âm nhạc sẽ mang những đặc trưng riêng, mang mỗi màu sắc riêng trong cuộc sống, trong mỗi con người chúng ta. Chẳng hạn những bản nhạc có tiết tấu nhanh như thể loại nhạc Pop, Chachacha, Disco…giúp cho con người tỉnh táo năng động nhạy bén hơn khi xử lý các tình huống diễn ra trong cuộc sống. Hiểu biết và cảm nhận đúng đắn về nó là một cách hưởng thụ âm nhạc thật sự có ý nghĩa.
1. Nhạc Pop:
Nhạc Pop là một thể loại của nhạc đương đại và rất phổ biến trong làng nhạc đại chúng. Thuật ngữ này không cho biết một cách chính xác về thể loại nhạc hay âm thanh riêng lẻ nào mà nghĩa lại rất khác nhau phụ thuộc vào từng khoảng thời gian trong lịch sử của nó và từng địa điểm khác nhau trên thế giới.
Trong làng nhạc đại chúng thì nhạc Pop thường được phân biệt với các thể loại khác nhờ một số đặc điểm về phong cách nghệ thuật như nhịp nhảy hay nhịp phách, những giai điệu đơn giản dễ nghe, cùng với một số đoạn trong bài hát được lặp đi lặp lại.
Ca từ trong nhạc Pop thường nói tới tình yêu, xúc cảm và sự nhảy múa. Là loại nhạc phổ biến (popular) hiện nay ở hầu hết các ca khúc như của Celine Dion, Madonna, Frank Sinatra, Brandy… Pop chú trọng nhiều hơn Rock về giai điệu và nhịp điệu, âm thanh cũng mềm hơn.
2. Nhạc Country (đồng quê)
Trước hết, có thể hiểu ngay “nhạc Country” đó là nhạc đồng quê. Khi âm thanh và giai điệu nổi lên, người ta có thể hình dung đến những đồng cỏ bạt ngàn xanh mướt – với những chàng cao bồi miền Tây lãng du. Nói đúng hơn, nhạc Country gắn liền với một nền văn hoá cao bồi. Nhạc đồng quê ra đời ở Mỹ dựa trên nhạc thượng du miền Nam, chịu nhiều ảnh hưởng từ những hệ thống nhạc khác như Blues, Jazz. Loại nhạc này thường có giai điệu trầm buồn.
Cội nguồn của nhạc Country chính là những bài dân ca mà những người dân nhập cư từ Anh, Scotland, Iraland đã mang đến vùng núi Appalanchian ở miền Nam Mỹ vào thế kỷ 18 – 19.
Dòng nhạc thanh cảnh, không cần nhiều nhạc cụ, đôi khi chỉ là một cây guitar; người ta vẫn say sưa hát. Nội dung đơn giản, chủ đề thường gặp ở nhạc Country là những triết lý nhỏ về cuộc sống, cuộc đời của những người lao động, sự cô đơn hay những niềm tin và các mối quan hệ trong gia đình.
Ngày nay, để đáp ứng thị hiếu của người nghe, các nhà sản xuất thường pha trộn giữa Country với nhạc Pop và Rock đã phần nào làm cho người nghe, nhất là giới trẻ, khó có thể nhận và phân biệt từng loại nhạc. Tuy nhiên, cũng phải nhờ họ mà nhạc Country không bị rơi vào sự lãng quên.
3. Nhạc Rock:
Còn gọi là Rock’N’ Roll, do Elvis Presley khai sinh từ thập kỷ 50.
Dựa trên tiết tấu của cả ba loại nhạc trước đó (Blues, Jazz, Country) nhưng Rock lại có tiết tấu mạnh và nhanh, thường sử dụng các loại nhạc cụ điện tử.
Rock chú ý tới hiệu ứng âm thanh của các nhạc cụ hơn là giọng hát.
“Folk rock” (rock dân ca) là loại rock nhẹ giống như “slow-rock”, “soft-rock”…
“Hard rock” là loại Rock nặng với tiết tấu dữ dội và âm thanh cực lớn, chát chúa. Cùng thể loại này là “heavy rock”, “heavy metal”.
Tất cả những ban nhạc nổi tiếng thập kỷ 60 đều bắt đầu bằng nhạc Rock and Roll. Đó là Beatles, Rolling Stones, The Kinds, The Who, Manfred Mann, The Animals.
4. Nhạc R&B
R&B là viết tắt của Rhythm & Blues. Cũng có thể nói R&B là một nhánh rẽ lớn của thể loại nhạc Blues đã có từ trước đó khá lâu. R&B có nguồn gốc từ cộng đồng người châu Phi, phát sinh từ đầu thế kỉ 20 và trở thành một loại nhạc phổ biến trên nhiều quốc gia vào khoảng thập niên 40.
Đó cũng là thời gian những người châu Phi bị bắt đưa sang châu Mỹ sống tập trung tại miền Nam và sau đó họ đã có những cuộc chuyển cư hàng loạt đến vùng Trung, Bắc, Tây Mỹ. R&B đã cùng họ phát triển rộng ở khắp châu Mỹ. Những bản ghi âm chính thức đầu tiên được thực hiện vào năm 1938 và cho đến thập kỉ 60 người ta đã biết nhiều đến những cái tên như B.B. King, James Brown…
Cũng trong khoảng thời gian đó, R&B phân hoá thành 3 luồng chính: Chicago Soul, Motown Sound và Southern Style phát triển khá mạnh mẽ. Thập niên 60 cũng có thể gọi là thời kì vàng son của thể loại nhạc này.
5. Nhạc Dance
Nhạc khiêu vũ (hay còn gọi là nhạc dance, nhạc nhảy, nhạc sàn) là nhạc thường dùng để nhảy, múa là chính nhưng người ta cũng có thể dùng để nghe, lồng ghép… phát triển từ thể loại nhạc disco thập niên 1970.
Đây là dòng nhạc đầu tiên mà các DJ có thể sử dụng. Có 4 loại Dance chính gồm: Disco Dance, Dance Techno, Dance House, Euro Dance…
Ngày nay, EDM (Electronical Dance Music), một nhánh con của nhạc Dance đang trở thành xu hướng nghe nhạc của không ít giới trẻ trên thế giới. Có thể kể đến một vài cái tên như Steve Aoki, Martin Garrix, David Guetta, Calvin Harris, The Chainsmoker…
6. Nhạc Jazz
Jazz là một nét văn hoá bản xứ ban đầu chỉ của riêng người Mỹ và đã được tạo ra bởi người Mỹ. Âm nhạc phương Tây và châu Phi là nơi đã gieo hạt nên Jazz, nhưng chính văn hoá Mỹ mới là nơi Jazz nảy mầm và phát triển.
Jazz không phải là loại nhạc của người da trắng, cũng chẳng phải là của người da đen, mà nó là cả một câu chuyện về những phong tục, di sản và cả triết học. Thời gian trôi qua và sự trao đổi âm nhạc này đã tạo ra Jazz.
Đặc trưng của nhạc Jazz là sự kết hợp giữa nhạc tế thần và bài ca lao động của những nô lệ trên ruộng đồng, có nhịp phách lỡ của ragtime. Giai điệu và chất nhạc của Jazz mang phong cách sầu bi, thê thảm của Blues.
Jazz khác biệt với phong cách ứng tấu của nhiều nhạc cụ. Bộ ba Fiddle, Banjo và trống là những nhạc cụ cơ bản của Jazz. Đến năm 1890, có thể bổ sung thêm vào danh sách này các nhạc cụ khác như: Cello, Upright Bass và kèn Cornet.
7. Nhạc Blues
Cùng với nhạc Jazz, nhạc Blues có nguồn gốc từ những bài ca lao động, tôn giáo và dân ca của người Mỹ da đen được người Mỹ da đen khởi xướng vào đầu thế kỷ 20. Nhạc Blues khá buồn, vì thế nên có tên Blues (buồn). Dòng nhạc này thường được biểu diễn bằng kèn, giai điệu réo rắt.
Khởi nguồn của Blues không đơn giản một cách chắc chắn như là đã được khắc lên đá. Trong một vài năm, đã có rất nhiều chuẩn mực về giai điệu, cách hoà âm được thiết lập, và những chuẩn mực này đã và vẫn đang được biểu diễn rộng rãi. Blues có thể rất buồn, hạnh phúc, chậm, nhanh, không lời, ca khúc… và thậm chí là bất cứ nét nhạc nào do các nghệ sỹ viết ra.
Lịch sử của các giọng hát nhạc Blues được chia thành hai nửa. Mỗi nửa thể hiện một giai đoạn khác nhau. Nửa đầu tiên vào khoảng cuối thế kỷ XIX đến những năm 1930. Nửa này ghi nhận hai phong cách hát Blues riêng biệt. Phong cách thứ nhất có thể được coi là Country hoặc Rural-Blues trong khi đó phong cách còn lại được gắn mác City hoặc Urban-Blues
Nhạc Blues đồng quê được hát bởi những người đàn ông với nhạc cụ và phần nhạc đệm đơn giản. Những ca sỹ hát nhạc Blues thời đó thường chỉ có cây guitar là nhạc cụ duy nhất để đệm cho mình. Ca từ cũng rất đơn giản và âm nhạc thật sự rất mộc mạc và không hề được gọt dũa. Nhạc Blues thành phố bao gồm cả giọng ca của các ca sỹ nam và nữ.
Âm nhạc ở đây tao nhã và tinh tế hơn nhạc Blues đồng quê. Thay bởi phần nhạc nền đơn giản, những ca sỹ nhạc đồng quê thành phố còn có thể sử dụng một nhóm khiêu vũ nhỏ phụ hoạ. Bessie Smith, Ma Rainey, và Chippie Hill là những ca sỹ nổi tiếng nhất ở phong cách này. Blues được sử dụng nhiều trong tất cả các loại nhạc phổ thông.
8. Flamenco
Flamenco là một loại hình nghệ thuật mang đậm phong cách đặc trưng của nền văn hoá Tây Ban Nha, tổng hợp từ ba thể loại : Cante, bài hát; Baile, vũ điệu, và Guitarra, nhạc công chơi guitar. Khi mới nghe Flamenco, ta dễ lầm tưởng đó chỉ là những giai điệu đơn giản được hoà trong tiếng gõ nhịp cùng những vũ nữ với bộ váy xoè nhiều lớp, nhưng thật sự đây là loại hình nghệ thuật độc đáo và tràn đầy rung cảm nghệ thuật.
Những người Gyspi ở miền Nam Tây Ban Nha được coi là người sáng tạo ra, tuy nhiên những bài hát và điệu nhảy dân gian Tây Ban Nha, cùng sự giao thoa của các nền văn hoá trong nhiều thế kỷ đã góp phần trực tiếp và gián tiếp cho sự hình thành của Flamenco. Flamenco sơ kỳ mới chỉ là những âm thanh cùng tiếng vỗ tay theo giai điệu, sau này mới có thêm biểu diễn guitar.Khác với vũ đạo Châu Âu, Flamenco mang hơi hướng phương Đông.
Vũ công qua động tác và thần thái phải truyền tải được những ý tưởng, tình cảm và nội dung của ca khúc. Những nhịp điệu được kết hợp cùng tiếng gõ chân kỹ thuật, vì vậy giày nhảy của vũ công thường là loại đặc biệt với nhiều đinh tán ở đế giày. Y phục của người vũ nữ là những bộ váy xoè nhiều lớp, ôm sát người để tôn lên dáng điệu yêu kiều, uyển chuyển.