Nhìn lại nền kinh tế 94 nghìn tỷ USD toàn cầu năm 2021
Việt Nam xếp thứ 41 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2021, với 0,4 nghìn tỷ USD, chiếm 0.4% tổng GDP toàn cầu.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hoa Kỳ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021. GDP Hoa Kỳ năm 2021 đạt mức 22,9 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 24,4% nền kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, chỉ riêng GDP của Hoa Kỳ đã lớn hơn GDP của 170 quốc gia cộng lại.
Theo đó, các ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản (4,7 nghìn tỷ USD) đóng góp nhiều nhất vào nền kinh tế nước này, tiếp theo là các dịch vụ và kinh doanh (2,7 nghìn tỷ USD) và chính phủ (2,6 nghìn tỷ USD).
Theo sau đó là Trung Quốc, với mức 16,9 nghìn tỷ USD trong GDP toàn cầu. Đây vẫn là “cơ sở sản xuất” lớn nhất thế giới trong các lĩnh vực như thép, thiết bị điện tử, robot… Xếp thứ 3 là Nhật Bản, với GDP đạt mức 5,1 nghìn tỷ USD, chiếm 5,4% GDP toàn cầu.
Đáng chú ý, Việt Nam xếp thứ 41 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đóng góp lớn cho nền kinh tế toàn cầu năm 2021, với 0,4 nghìn tỷ USD, chiếm 0.4% tổng GDP toàn cầu.
Tuvalu là nền kinh tế có quy mô GDP nhỏ nhất toàn cầu, với GDP đạt 70 triệu USD. Tương tự như Tuvalu, nhiều nền kinh tế nhỏ nhất thế giới khác nằm ở châu Đại Dương, bao gồm Nauru, Palau và Kiribati. Các quốc gia này phụ thuộc phần lớn vào ngành du lịch, vốn đóng góp hơn 1/3 số việc làm trên cả nước.
Ngoài ra, xét về tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, Libya dẫn đầu với mức tăng trưởng GDP 2021 vào khoảng 123%.
Sự tăng trưởng vượt bậc của Libya nằm ở các mỏ dầu, với 1,2 triệu thùng được bơm lên mỗi ngày. Cùng với điều này, xuất khẩu và đồng tiền giảm giá là một trong những yếu tố chính đằng sau tốc độ phục hồi.
Tiếp đến là nền kinh tế Ireland, với mức tăng trưởng GDP là 13%, đang được hỗ trợ bởi các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới. Facebook, TikTok, Google, Apple và Pfizer đều có trụ sở chính ở châu Âu tại quốc gia này, nơi có thuế suất doanh nghiệp chỉ là 12,5% – bằng khoảng một nửa mức trung bình toàn cầu.
Song, các mức thuế suất này sẽ sớm thay đổi, khi Ireland đã tham gia thỏa thuận thuế suất doanh nghiệp tối thiểu 15% với OECD.
Năm 1970, nền kinh tế thế giới chỉ có GDP khoảng 3 nghìn tỷ USD – nhỏ hơn 30 lần so với hiện tại. Trong 30 năm tới, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi một lần nữa. Đến năm 2050, tổng GDP toàn cầu có thể đạt gần 180 nghìn tỷ USD.
6 loại hạt tốt cho sức khỏe
Những loại hạt giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Bên cạnh đó, chúng còn giúp cân bằng lượng đường trong máu, cholesterol và huyết áp.
1. Hạt gai dầu
Là hạt từ các loại cây thuộc họ gai dầu, thường được lầm tưởng với cây cần sa nhưng thực chất chúng hoàn toàn khác về thành phần lẫn công dụng đối với cơ thể con người. Khác với những loại thực vật khác, hạt gai dầu chứa rất nhiều axit amin thiết yếu mà phần lớn chỉ có trong thịt động vật. Bên cạnh đó, loại hạt này cũng chứa rất nhiều chất xơ và axit béo có lợi, có tác dụng chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe của tim, da và khớp.
2. Hạt lanh
Là hạt của cây lanh, có màu nâu hoặc vàng. Cùng với hạt gai dầu, hạt lanh là một trong những loại hạt rất có lợi cho sức khỏe như giải quyết các vấn đề về tiêu hóa, giảm cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư và cải thiện chức năng não. Ngoài ra, đối với người theo chế độ ăn chay, hạt lanh sẽ là nguồn cung cấp omega-3 thay thế cho cá. Bên cạnh đó, loại hạt này còn giúp ngăn chặn cholesterol trong máu, giảm viêm động mạch và giảm sự phát triển của khối u.
3. Hạt chia
Một trong những loại hạt giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, khoáng chất và omega-3. Bên cạnh đó, chúng còn có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch và gan, giảm huyết áp, hỗ trợ xương, chống viêm và cân bằng lượng đường trong máu. Hạt chia là một nguyên liệu quen thuộc với mọi người và được sử dụng một cách đa dạng như pha với các loại nước, làm bánh pudding hoặc ăn cùng với yogurt.
4. Hạt vừng (mè)
Khác với các loại hạt trên, hạt vừng chứa rất nhiều canxi giúp ích cho sức khỏe xương khớp. Ngoài ra, một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạt vừng có tác dụng chống viêm và làm chậm khả năng lây lan của các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, những hạt mè đen sẽ chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp ích cho hoạt động của não, giảm viêm ở xương, khớp và cơ.
5. Hạt hướng dương
Là một trong những món ăn vặt quen thuộc, nhưng phần lớn mọi người vẫn chưa biết những lợi ích mà hạt hướng dương đem lại cho cơ thể như cân bằng huyết áp, giảm cholesterol, tốt cho xương, cơ và lượng đường trong máu. Hàm lượng dinh dưỡng trong hạt hướng dương rất dồi dào, bao gồm vitamin E, B1, B2, B3, C và nhiều khoáng chất khác. Tuy nhiên, do lượng calo cũng như phốt pho trong hạt hướng dương khá cao, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thận. Vì vậy, khẩu phần ăn khuyến nghị là 130 g một ngày để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
6. Hạt bí
Tương tự hạt hướng dương, hạt bí là một món ăn vặt quen thuộc với mọi người. Nếu vitamin E xuất hiện nhiều ở hạt hướng dương thì hạt bí lại đem đến rất nhiều vitamin A giúp cải thiện hệ miễn dịch. Ngoài ra, hạt bí có hàm lượng chất chống oxy hóa cao giúp giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính, tim mạch và ung thư. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến một số tác dụng phụ không mong muốn như đầy hơi và tiêu chảy.